9 nguyên tắc ăn dặm giúp bé ăn ngoan, nhẹ nhàng
Cập nhật : 26-07-2018, 10:43 am - Lượt xem : 3904

6 tháng tuổi là thời điểm bé bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm, làm quen với những nguồn thực phẩm khác nhau bên cạnh sữa mẹ. Không chỉ vậy, quá trình ăn dặm cũng là giai đoạn để rèn luyện tính cách và thể chất cho bé. Để bé luôn cảm thấy hào hứng và thích thú trong những bữa ăn, đồng thời giúp bé hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng như giúp bữa ăn trôi qua một cách thuận lợi và nhẹ nhàng, dưới đây là 9 nguyên tắc mẹ cần nằm lòng khi cho bé ăn dặm:
1. Cho bé ngồi ghế ăn riêng
Các bác sĩ và những nhà nghiên cứu đều khuyên rằng các mẹ nên tập cho bé ngồi ghế ăn riêng. Dù ghế ăn dặm cho bé có giá thành không nhỏ nhưng lại là món đồ đáng để đầu tư vì không chỉ theo bé suốt trong quá trình ăn dặm mà ghế ăn dặm còn giúp hình thành ở bé sự độc lập và chủ động trong việc ăn uống cũng như dần dần hình thành tính cách sau này cho trẻ.
2. Không cho bé ăn rong
Việc ăn rong không chỉ tạo thói quen xấu khiến bé không chịu ngồi yên một chỗ để ăn mà còn ảnh hưởng đến sự tập trung của bé vào bữa ăn do có quá nhiều sự hấp dẫn bên ngoài thu hút trẻ hơn.
3. Không cho bé ăn vặt trước giờ ăn 1-2 tiếng
Cho bé ăn các bữa vặt, ăn nhẹ là điều thông thường vì bé đang trong giai đoạn cần hấp thu nhiều dưỡng chất để đảm bảo sự phát triển. Tuy nhiên mẹ nên căn thời gian ăn vặt cho bé, tránh để bé ăn trong khoảng 1-2 tiếng trước bữa ăn chính bởi sau khi ăn vặt bé sẽ cảm thấy lưng lửng và không còn ham muốn ăn bữa chính nữa, điều này sẽ gây ảnh ưởng rất nhiều đến chất lượng của bữa ăn chính.
4. Ăn uống đúng giờ giấc
Việc thiết lập giờ ăn chuẩn sẽ giúp bé phát triển nhanh và khỏe mạnh hơn. Bé cũng sẽ cảm thấy thích thú với việc ăn uống và ăn ngon miệng hơn là những bé được cho ăn không đúng giờ giấc.
5. Khoảng thời gian giữa các bữa ăn nên cách nhau khoảng 3 tiếng
Cũng giống như người lớn, nếu ăn quá nhiều cũng sẽ cảm thấy chán ăn và ăn không còn ngon miệng. Để bé cảm thấy hứng thú trong việc ăn uống và hấp thụ dưỡng chất trong đồ ăn được tốt hơn, mẹ nên để bé hơi có cảm giác đói một chút bằng cách sắp xếp các bữa ăn cách nhau khoảng 3 tiếng đồng hồ.

6. Không cho bé vừa ăn vừa chơi
Vừa ăn vừa chơi sẽ khiến bé mất tập trung vào bữa ăn, khiến bé không cảm thấy thích thú và muốn khám phá món ăn nữa mà thay vào đó là những món đồ chơi, điều này sẽ khiến bé hấp thụ các chất dinh dưỡng kém hơn và không phát triển tốt được.
7. Không để một bữa ăn kéo dài quá 30 phút
Thức ăn để càng lâu càng không ngon, khiến trẻ mất đi vị giác và từ chối muốn ăn tiếp như vậy sẽ khiến bé không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng đồng thời khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng khi phải ép bé ăn hết bữa ăn.
8. Không ép trẻ ăn, không khen ngợi thái quá hay quát mắng khi trẻ không hợp tác
Ép trẻ ăn hoặc quát mắng sẽ khiến trẻ cảm thấy sợ các bữa ăn và không còn cảm thấy hào hứng khi đến giờ ăn, trẻ sẽ bất hợp tác và khiến cho việc ăn uống trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các mẹ cũng không nên khen ngợi thái quá các bé sẽ khiến các bé không thật sự muốn thưởng thức món ăn mà sẽ hình thành bản năng đối phó và thực hiện mọi việc chỉ để ba mẹ vui lòng. Nếu chỉ nhìn bề nổi thì các mẹ sẽ cảm thấy đây là điều tốt nhưng trên thực tế điều này lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của trẻ về sau.
9. Để bé ngồi ăn cùng bữa với gia đình
Các bác sĩ nhi luôn khuyên mẹ nên cho bé ngồi cùng bàn ăn với gia đình, bởi trong giai đoạn bé đang cảm thấy tò mò về mọi thứ xung quanh rất nhiều và sẽ bắt chước theo hành động của những người xung quanh, vì vậy khi ngồi cùng bàn ăn, bé sẽ quan sát được cách dùng thìa, bát, cách ăn của người lớn và hình thành nên thói quen cho chính bản thân bé. Điều này không chỉ giúp bé tự giác mà ba mẹ cũng cảm thấy đỡ vất vả hơn rất nhiều.